News
Loading...

Lên 3, con thay đổi tâm lý, tính cách

Sự thay đổi tâm lý, tính cách ở trẻ lên 3 là một giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách, tính cách của trẻ.

Lên 3, con thay đổi tâm lý, tính cách


Chào bác sĩ!

Con trai tôi Tết này là tròn 3 tuổi. Trước đây, bé rất ngoan, dễ bảo, tình cảm, yêu mẹ. Thế mà không hiểu sao, giờ bé lại thay đổi trở thành đứa trẻ rất bướng bỉnh, hay nhõng nhẽo, hơi một chút là khóc, không vừa ý cái gì là lăn ra đất gào lên ăn vạ. Mẹ nói cái gì cũng không nghe. Thậm chí những người lạ đến nhà chơi, chào hỏi hay nựng nịu là bé xô ra, quát tháo, hét lại một cách “hung dữ”. Tôi thật sự không biết làm sao. Nhiều lúc muốn la con, khẽ tay con, uốn nắn cho con biết là con đang “hư quá”, nhưng đọc một số tài liệu hướng dẫn thì người ta lại bảo trẻ ở độ tuổi đó đã biết gì đâu, không nên la mắng hay khẽ tay đánh bé (dù là chỉ đánh nhẹ, mang tính chất uốn nắn thôi). Tôi nên làm gì với con khi mà bé đang ngày càng khiến tôi “cáu” ghê gớm, chỉ muốn phát một cái vào mông con mỗi lúc con bướng bỉnh.

Phạm Huệ Chi (Quận Thủ Đức)


Bác sĩ trả lời:
Trước tiên, bạn cần xác định rằng chuyện “khủng hoảng tuổi lên 3” hết sức bình thường và hay gặp. Nó giống như sự “ẩm ương” ở trẻ đến tuổi dậy thì vậy, và đây là lúc bạn phải tập làm quen, thích nghi cùng với con. Tại sao trẻ lại có chuyện “khủng hoảng tuổi lên 3”? Bởi vì lúc này, trẻ bắt đầu xác lập được “cái tôi” của mình cũng như hòa nhập với “cộng đồng” và phát triển.

Những phản ứng tuổi lên 3 có thể là ngoan cố, giữ vững quyết định của mình dù bố mẹ yêu cầu một mệnh lệnh khác. Bé ngang ngạnh, có thể phản kháng các trật tự trong gia đình, nhõng nhẽo, vòi vĩnh hơn (cũng chỉ cốt để khẳng định “cái tôi”). Không nên la mắng trẻ trong lúc này, không dùng đến “hình phạt” (dù là hình phạt “nhẹ nhàng” như kiểu khẽ tay, phát vào mông) vì nó không có tác dụng và có khi còn ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần của trẻ.

Bạn cần nhìn nhận tất cả những sự ương bướng, nhõng nhẽo, “hung dữ”, ngang ngạnh đó chỉ là một quá trình để khẳng định cái tôi của mình, phát triển bản thân, tập cách có “chính kiến”. Tất nhiên, có thể hiểu và thông cảm với cảm giác “sốc” của bạn. Nói vậy không có nghĩa là bạn thả sức để con… muốn làm gì thì làm. Song, uốn nắn trẻ lúc này là cả một nghệ thuật và nghệ thuật đó đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết cũng như tình yêu thương của mẹ.

Bố sẽ đóng vai trò tốt để “răn đe” nhẹ nhàng với bé trong giai đoạn này, thiết lập lại các “trật tự”. Bạn có thể đưa ra những quy định, những “hình phạt” phù hợp (như con sẽ không được đi chơi công viên nếu không ngoan), song cần hiểu trẻ và chấp nhận, vỗ về, an ủi, gần gũi trẻ như một người bạn. Có lúc nên nghiêm mặt, nên “giả lơ” khi bé vật vã khóc lóc đòi cái gì đó. Khóc lóc mà không gây được sự chú ý, bé sẽ tự “hiểu” đây không phải là cách có tác dụng và tập điều chỉnh dần chính bản thân mình thôi. Hãy kiên nhẫn! Khủng hoảng tuổi lên 3 sẽ qua nhanh. Chỉ một thời gian nữa, bạn sẽ thấy con ngoan lại.

Bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp

Share on Google Plus

About nighttn2

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment