Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng quản lý thị trường đã xử lý và bắt giữ các cơ sở chế biến đường bằng phẩm màu, hóa chất độc hại axít photphoric khiến nhiều người lo ngại. Liệu loại đường hóa chất đó độc hại đến mức nào?
Dùng axít để tạo màu cho đường
Nắm bắt thị hiếu khách hàng ngày càng tỏ ra thích thú với loại đường vàng óng và có mùi thơm lạ, nhiều cơ sở sản xuất đã bất chấp sản xuất đường với các loại axít hóa học, chất tẩy rửa bị cấm sử dụng trong thực phẩm để tạo màu đẹp, tăng trọng lượng.
Trước đó, ngày 17/5, lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận đã bất ngờ kiểm tra một cơ sở sản xuất ở phường Đức Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và bắt quả tang cơ sở này đang sản xuất đường có màu vàng bằng hóa chất độc hại. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 150kg đường màu vàng, 18kg axít photphoric, phẩm màu.
Khi chế biến, cơ sở này trộn đường cát trắng cùng với axít photphoric, nước và hóa chất màu đỏ chưa rõ nguồn gốc rồi cho vào máy trộn để đường có trọng lượng nặng hơn, màu sắc hấp dẫn hơn. Sản phẩm này được bán ra thị trường với giá 15.500 đồng/kg.
Gần đây nhất, lực lượng chức năng thuộc UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM), bất ngờ vào kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh đường ở phường Hiệp Bình Chánh. Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này dùng máy trộn bê tông để trộn đường và phát hiện một số can, thùng chứa nước màu. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ máy trộn bê tông và một số mẫu đường để kiểm tra.
Trước những thông tin này, nhiều người vô cùng lo ngại việc ăn phải loại đường này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐHKHTN– ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, axít photphoric được chia thành 2 loại. Khi sử dụng trong thực phẩm phải dùng axít photphoric tinh khiết, hay dùng để xử lý dầu ăn tinh luyện nhưng sau đó phải lọc sạch thực phẩm. Hoặc khi được tinh chế sạch thành một dạng muối phốt phát vẫn được dùng trong thực thẩm như thuốc dạ dày có dùng nhôm phốt phát vì đây là yếu tố cần thiết cho cơ thể.
Còn loại axít photphoric công nghiệp chuyên dùng để tẩy rửa, sản xuất phân bón, thức ăn gia súc. Nó cũng được làm chất xúc tác trong tổng hợp hữu cơ, chất tẩm gỗ chống cháy, chất chống ăn mòn kim loại… Việc dùng axít công nghiệp để làm vàng đường là điều cấm kỵ, không được phép bởi nó ẩn chứa nhiều nguy cơ độc hại cho cơ thể người sử dụng. Trong loại axit photphoric công nghiệp còn chứa nhiều tạp chất kim loại độc hại khác, không nằm trong danh mục thực phẩm cho phép như asen là chất độc hại cho thần kinh. Chất này sẽ tích lũy trong cơ thể lâu, gây ra nhiều bệnh khó chữa.
Còn theo ThS Cao Xuân Thủy (Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM), việc sử dụng đường có chứa dung lượng axít photphoric trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột của người sẽ bị tiêu diệt, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa.
Cách nhận diện đường trộn axít
Về cách nhận biết đường có chứa axít photphoric, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, quá trình vàng hóa của đường trắng sang đường vàng khi sử dụng axít photphoric là sự thủy phân một bề trên bề mặt tinh thể đường. Màu đường lúc này sẽ hơi vàng, có sự óng ánh rất bắt mắt bởi đó là các tinh thể. Vì vậy, khi mua người tiêu dùng không nên chọn hạt đường có màu vàng sáng óng ánh, bởi nguy cơ loại này đã bị nhuộm màu. Đường hoa mai có hương vị mật mía, thơm, hơi đục chứ không trong veo, óng ánh. Khi pha nước, loại đường có axít không có mùi thơm mà khét.
Mọi người cũng có thể để đường ở ngoài nắng, nếu thấy đường óng ánh một cách bất thường có nghĩa đường có chứa nhiều axít photphoric. Còn đường được xử lý, loại bỏ hết dung lượng hóa chất thì thường không óng ánh.
Để tránh nguy hại sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, cũng như tất cả các loại thực phẩm khác, người tiêu dùng không nên chọn những sản phẩm không có nguồn gốc mà nên sử dụng những loại đường có nhãn mác, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để an tâm về chất lượng.
Theo Hà My (Gia đình & Xã hội)
Blogger Comment
Facebook Comment